Ba tháng đầu đời của con gái

Con sắp tròn 4 tháng tuổi, mẹ bắt đầu thực hiện lời hứa viết nhật kí cho con, theo dấu từng chặng đường con lớn lên và con bước đi. 
Biết nói thế nào được con gái nhỉ, cảm xúc của mẹ khi có con, vừa vui mừng, vừa lo lắng, vừa bình thản. Mẹ thiết nghĩ những cảm xúc đó của mẹ xuất phát từ hai yếu tố: tình yêu và trách nhiệm, con gái ạ. Mẹ yêu con nhưng mẹ cũng lo lắng làm thế nào để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của một người mẹ.

17/1/2018 - Ngày con cất tiếng khóc chào đời
Có lẽ con là cô con gái có số đỏ như ông nội con từng nói. Trước ngày con sinh, trời lạnh giá, mưa phùn, ai cũng nói nếu mẹ sinh tuần đó sẽ vất vả lắm, con sẽ dễ nhiễm lạnh và bị ốm. Như hiểu điểu đó, con chờ cho tới khi trời nắng ấm mới chiu ngọ nguậy đòi ra. Khi còn rét con gái vẫn nằm im trong bụng mẹ, tận hưởng nốt những ngày bình yên nhất của cuộc đời con, không khói bụi, không lo xô bồ gì cả. Mặc cho mẹ lo lắng con quá ngày, cách một ngày lại cùng bà nội con lọ mọ vào 
Đây là ngày có lẽ nhiều bà mẹ mong mỏi nhất sau chín tháng mười ngày mang thai, nhưng mẹ thật là một kẻ hèn nhát con gái ạ. Tại thời điểm đó, mẹ thay vì dũng cảm đón nhận thì mẹ lại sợ hãi cảm giác đau đớn. Nhưng chuyện gì đến nó vẫn sẽ đến con gái ạ.
16h ngày 16/1 mẹ có dấu hiệu chuyển dạ. Mẹ điện cho bố con đang đi làm về nhà. Bố con nhận được điện thoại của mẹ, liền báo cáo sếp xin chuyển lịch làm việc lấy hàng DK buổi tối hôm đó cho người khác, và nghỉ ở nhà 5 ngày để sẵn sàng trực chiến chăm sóc 2 mẹ con mình. Mẹ điện cho bác Liên, bà Giang - Mẹ của cô Hoài Minh làm ở bệnh viện giao thông để sẵn sàng chào đón con. Mẹ đã được các cô, các bác ở công ty, bà Giang và các bác sĩ ở bệnh viện dặn dò nhiều, khi có dấu hiệu chuyển dạ thì cứ bình tĩnh tắm rửa gội đầu rồi vào viện. Mẹ bảo bà nội chuẩn bị mấy cái làn quần áo cho con mà mẹ và Bác Liên đã sắp sẵn từ lâu rồi chỉ chờ ngày con ra. Mẹ gội đầu tắm rửa xong xuôi, bố con cũng về tới nhà.
17h30 bố mẹ đèo nhau vào viện, gặp bác sĩ. Con đúng là số đỏ con gái ạ. Hôm đó thật may mắn, vì đúng ca trực của bà Giang nên mẹ như được tiếp thêm sức mạnh để chờ đón con. 19h sau khi kiểm tra, của mình của mẹ mở được 2 phân. Bác sĩ nói bố mẹ nay nhập viện, đi ăn tối và chịu khó đi bộ cho dễ sinh. Mẹ là một bà bầu chăm chỉ, đi bộ không nghỉ cho tới 12h đêm, ồ đã được 4 phân rồi con ạ. Ai cũng chắc mẩm con sẽ chào thế giới vào gần sáng. Mẹ nghe bác Liên nói nếu con sinh vào giờ Dần, cuộc đời con sau này sẽ đỡ khổ. mẹ đã nỗ lực cố gắng để đi bộ dưới những cơn đau quằn quại. Đến gần sáng mẹ kiệt sức đi vào giường nằm, bà Giang nhìn thấy mắng, định không đẻ đâu mà nằm, dậy đi bộ đi, đau như thế không là gì cả. Mẹ lại sợ con gặp chuyện gì, khó đẻ được con an toàn nên lại dậy đi bộ.

Đau đẻ lần đầu nên lúc này mẹ hớn hở lắm, vui mừng để chào đón con gái yêu của mẹ

Đến 10h sáng, mẹ đau không chịu được mà bác sĩ kiểm tra mấy lần nữa cửa mình vẫn chỉ mở được 4 phân. Các cô chú tư vấn nên xem xét giải pháp tiêm kích đẻ, mẹ sợ đau và cũng mệt mỏi quá nên đồng ý ngay, chỉ chờ ý kiến của bố con nữa thôi. Bố dường như cũng thương mẹ và sốt ruột về con rất nhiều nên không lăn tăn tiếc 2 triệu, đồng ý tiêm luôn.
10h30, một may mắn khác lại đến với mẹ con mình. Bác Hằng, bạn của bác Khoa và bác Liên, làm y tá trưởng khoa gây mê hồi sức cấp cứu, đã nhờ được bác sĩ gây mê giỏi và nhanh nhất cho mẹ con mình. Tiêm mũi tiêm đó không dễ chịu chút nào đâu con ạ. Kim tiêm chọc vào tủy sống ở lưng mẹ, lạnh buốt và nhức nhối. Đến giờ mỗi khi trở trời cái lưng mẹ lại đau tức. Nhưng cũng nhờ mũi tiêm đó mẹ đỡ mất sức hơn, mẹ chỉ bị các cơn co làm khó chịu. Từ sau khi tiêm mẹ phải đứng tấn liên tục, hai cái chân dạng ra, cho đầu con chúc xuống dễ hơn, nhưng chờ mãi con ạ, đến 12h mà chỉ mở hơn 5 phân thôi. Bác sĩ Huyền sau khi kiểm tra 3 - 4 lần gì đó, đã quyết định bấm ối sớm hơn bình thường, thì ôi, nước ối bị đục, lẫn phân su của con, mẹ có lo lắng một chút, nhưng được bác ấy chấn an, không sao cả. Nhưng thật may mắn, sau khi bấm ối, con đến với mẹ gần hơn.
Đến 13h hơn, con vẫn chỉ lập lững ở cửa mình của mẹ, mãi chưa mở hết 10 phân, tim thai của con lại đập không đều, các bác sĩ phải dạy mẹ thở đều, hít vào thở ra để con được thở. bác sĩ nói với mẹ nếu đến 14h20 mà chưa đẻ được, thì mẹ sẽ bị đưa lên bàn mổ để lấy con ra, nếu không con sẽ bị ngạt. Lúc đó mẹ sợ lắm con ạ, vừa đau đẻ vừa đau tiêm gây tê, mà vẫn phải đau vết mổ nữa chắc mẹ không đủ dũng cảm để sau này sinh thêm em cho con. Hình như con nghe thấy bác sĩ nói thế, chỉ trong vòng 10 phút, tốc độ con xuống tốt hơn, nhưng cái đầu của con to quá khiến việc rặn đẻ khó khăn. Các bác sĩ trong ca đẻ không đỡ được, phải gọi bà Giang sang chỉ đạo con ạ. Mẹ vẫn nhớ như in, ca đẻ của mẹ con mình chắc là ca đông nhất từ trước tới giờ của khoa sản ở viện Giao thông, người giữ chân, người giữ tay, người giữ háng, người gọi mẹ cho mẹ có ý thức trở lại vì sợ mẹ mệt quá mà lìm đi. Lúc trên bàn đẻ, có khi mẹ mệt quá quên đi không thở đều, dường như mẹ sắp ngất lịm, bác sĩ gọi mẹ dồn dập...
- Kim Anh, Kim Anh, em đang nghĩ gì vậy?
- Em chẳng nghĩ gì cả, em đau và mệt quá không đủ sức nghĩ gì nữa
- Không được em phải nghĩ đến con em, thở đi, thở đi không con em sẽ bị ngạt, bi suy thai đó
Lúc đấy mẹ lại cố gắng thở, rồi cố gắng rặn đẻ, người ta nói rặn 3 hơi là ra, nhưng do mệt do lần đầu sinh mẹ không có kinh nghiệm rặn, mà mẹ rặn sinh con lâu hơn, tưởng chừng như không rặn được. Nhưng rồi bằng tất cả nỗ lực, mẹ đã thành công con ạ.
13h59 con chào đời, các bác sĩ đưa con đi cắt dây rốn, mẹ nằm trên bàn đẻ khoảnh khắc ấy đờ đẫn vui mà không nói được vì mệt, nhưng chờ một hồi không thấy con khóc, mà chỉ thấy tiếng bác sĩ nói chưa khóc, chưa khóc, mang máy trợ oxy qua đây... Mẹ lo lắng con có chuyện gì thì sao... May quá, con khóc rồi.

Đây là hình ảnh đầu tiên của con khi cất tiếng khóc chào đời, trong một tuần nắng ấm giữa tiết trời đông lạnh giá. Khi trong phòng đẻ, con đă mở to mắt, nhìn theo miệng bác sĩ nói chuyện cùng con mà không hề nhắm mắt như những đứa trẻ khác

Bác sĩ Huyền kiểm tra rau cho mẹ còn sót, bác sĩ lại cho tay vào bụng mẹ cào những gì còn sót lại. Dường như mọi cái đau lúc này đều không là gì. Mẹ không thấy đau khi bị rạch sống, không thấy đau khi bị cào vào bụng, chỉ đến khi người ta khâu sống tầng sinh môn, mẹ mới có cảm giác đau trở lại. Chắc tại do thuốc gây tê màng cứng tác dụng nên mẹ không cảm thấy quá đau.
Hơn 15h mẹ được chuyển về phòng cùng con, mẹ được dặn dò nằm bất động trên giường 8 tiếng, phải dùng tay xoa bụng cho sản dịch ra hết. Lúc này mẹ mệt và đau không còn sức ăn gì và chỉ muốn ngủ. Bà nội nói, người ta đẻ xong ăn chục quả trứng, vậy mà mẹ ăn được có 1 quả. Mẹ ngủ thiếp đi, nhưng con ọ ẹ đòi bú, mẹ đau và cũng chưa thạo cho con ti. Mọi thứ còn rất vụng về, bà nội đỡ, bố con trông. Nhưng vết rạch tầng sinh môn của mẹ sâu, cộng thêm cái kim tiêm gây tê vẫn cắm ở sống lưng mẹ không thể đỡ đau được. Cho tới trưa hôm sau mới được tháo nó ra, mẹ dậy đi lại dễ hơn khi có bố con giúp. Mẹ đã tập cho con ti để sữa về nhanh hơn.
Chúng ta ở viện 4 ngày, đến 6h45 ngày 21/1 bố mẹ đưa con về nhà ông bà nội, chúng ta chính thức nghỉ sinh tại Ninh Bình.

3 Tháng tuổi đầu tiên của con

Thật may mắn khi gia đình mình có sự giúp đỡ của ông bà hai bên con ạ. Mẹ nghĩ nếu chúng ta không có được sự giúp đỡ của mọi người, thì kì sinh nở sẽ không thể thuận lợi được.
Tháng đầu tiên, chúng ta nghỉ tại nhà ông bà nội. Mẹ thật hạnh phúc và may mắn khi lấy bố con, và có một người mẹ chồng chu đáo như bà nội của con. Bà chăm mẹ con mình rất kĩ. Bà chỉ cần nghe tiếng con ọ ẹ, bà sẽ vào ngay vì sợ mẹ một mình lại tủi thân. Bà sẵn sàng đi khắp làng, xin rau ngót cho mẹ ở cữ. Con biết không, lúc đó rau ngót hiếm lắm. Nhà ai cũng lụi hết cả, ông bà ngoại muốn mua cho mẹ mà còn không có mà mua đấy con ạ. Thế mà bà nội con tài lắm, một ngày 2 bữa rau ngót đều đặn cho mẹ.
Bà sợ mẹ khó ăn, sáng bà nấu cháo, rồi thịt gà.... thay đổi món liên tục. Nhưng thương bà lắm con ạ, bà cứ lọ mọ suốt, nên mẹ bảo bà đừng chuẩn bị bữa sáng kĩ quá, đơn giản đi. May mà bà nghe, nên mẹ đỡ thấy bà cực.
Bố con sau khi đưa hai mẹ con mình về, phải trở lại với công việc. Do khoảng cách địa lí mà chờ tới tết mới về gặp con. Mẹ gửi hình ảnh và gọi điện cho bố ngắm con mỗi ngày.
Hình như con sau này sẽ làm nhiều việc lớn chăng, con về nhà nội là toàn gặp việc lớn, việc hiếu hỉ con chứng kiến cả.
Con sinh vào đúng mùng 1 âm, đến mùng 1 tết con đầy tháng tuổi, ông bà làm cơm mời ông bà ngoại sang chơi. Bố cũng mua cho con bộ quần áo đẹp màu hồng. Lúc này con tăng 1kg. Con gái nặng 4.2kg đấy. Con biết hóng chuyện, nói chuyện lại với mọi người từ rất sớm.


Đây là con khi được 27 ngày tuổi
Sau tết, đến ngày 12/1 âm lịch ông bà ngoại sang đón con về ngoại chơi. Ông bà vui lắm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhường cả phòng của ông bà cho mẹ con mình ở. Con rất thích nói chuyện với mọi người, đặc biệt là ông ngoại. Mỗi lần gặp ông con đều cười hớn hở và tâm sự rất nhiều.


Cụ ngoại 88 tuổi ra thăm con, rất quý con vì con biết nói chuyện với cụ, cụ đùa con cười khanh khách. Mẹ còn nhớ, đêm hôm ấy, cụ thích con quá cứ đòi nói chuyện, trong khi mẹ muốn con ngủ. Mẹ bảo cụ để con ngủ không lát con khóc, con sẽ chơi đêm, cụ bảo đứa nào chẳng chơi đêm, nên kệ nó. Mẹ ru con không ngủ, con chỉ chờ tiếng cụ để chuyện lô la. Thế là mẹ phải gọi bà ngoại vào để bảo cụ không nói nữa. Thế rồi cụ thấy, con thính tai quá, mẹ bế con rất lâu mới ngủ. Hôm sau cụ sợ con không ngủ, nên gần giấc ngủ cụ không dám chuyện trò gì nữa.


Mỗi lần ông cháu nói chuyện với nhau là như lâu ngày mới gặp lại. Nhiều tâm sự, tỉ tê mãi không hết chuyện. Sáng ông đi chợ về vào nói chuyện với con. Chiều ông dọn vườn, lúc nào mệt lại vào để con tiếp cho ông thêm chút vitamin khỏe rồi làm tiếp. Suốt thời gian mẹ con mình ở đây, ông là người cơm nước cho mẹ con mình đấy


Bà ngoại ban ngày rất bận, buổi tối bà thường tranh thủ xem con ngủ chưa, nếu chưa ngủ bà vào ru con để gần con thêm chút nữa.

Con là một cô bé ngoan từ bé, khi mới đẻ con biết mẹ đau nên không khóc lóc nhiều như các bạn khác, cho đến lúc này con vẫn như vậy. Con ngoan tới mức, hàng xóm không biết mẹ con mình đã sang thăm ông bà, trộm vào mà không tiếng khóc. Trộm vía tỉ lần là con không khiến mẹ áp lực vì con nhỏ.
Khi con được 2 tháng tuổi, con tăng thêm 1kg nữa. Mẹ bảo con ti mẹ hoàn toàn, như thế chậm mà chắc, miễn con cứng rắn khỏe mạnh là được. Ông bà nội ngoại giục mẹ cho con ti sữa ngoài nhưng mẹ không đồng ý, mẹ muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, để con khỏe mạnh hơn, không có nguy cơ béo phì. Mẹ cũng trái lời bà ngoại, cho con tập nằm sấp sớm, rèn cổ cho con. Rồi hàng ngày mẹ tập cơ tay cho con, nói chuyện với con hàng ngày.... Nhờ vậy, khi mới chỉ 2.5 tháng tuổi con đã lẫy thuần thục, cái cổ đã ngóc rất cao. Con cũng rất nỗ lực, tập lẫy hết mình, lẫy được rồi thì cố nhoai để nhanh biết bò. Mỗi ngày mẹ thấy con có thêm nhiều nét mới, điểm nào cũng vô cùng đáng yêu con ạ.
Ngày 1/5 bố mẹ quyết định đưa con ra Hà Nội, để thích nghi với môi trường mới và mẹ sẵn sàng với cuộc chiến vừa lo cơm áo gạo tiền vừa lo chăm con khỏe mạnh. Trộm vía đến nay được 15 ngày rồi, con vẫn rất hợp tác, ăn ngủ rất ngoan. 

Khi con gái ốm

Mặc dù lần đầu làm mẹ nhưng mẹ đã tham khảo rất kĩ kinh nghiệm của những bà mẹ đi trước, mẹ luôn giữ ấm cho con, kiểm tra lưng liên tục... nhưng có lẽ sự cẩn thận của mẹ vân chưa đủ, khi con được 26 ngày tuổi con bị ho. Bà nội và mẹ cho con uống đường hèn lá hẹ hấp, nhưng con mãi không khỏi. Đến đúng mùng 1 tết, con ho dữ dội, mẹ thương lắm, con bé mà bị ốm. Đến ngày hôm sau, bác Liên và bác Khoa từ Hà Nội về, thấy vậy bảo cho uống thuốc đi, nhưng mẹ cứ chần chừ. Thế rồi, mẹ cho con uống si rô propan, con thì không thích thuốc, lèo ra. Dường như thuốc vẫn chưa đủ đô với tình trạng bệnh của con, cơn ho của con dài hơn và con nôn trớ. Bác Thủy nhà bác Cường nói, nếu không cho uống kháng sinh con có thể bị viêm phổi, diễn tiến rất nhanh. Con cần được uống kháng sinh nếu đi viện con còn bị tiêm nữa... Mẹ hoảng quá, nước mắt ở đâu cứ rơi ra. Ông nội thì nói nếu không đỡ phải đi viện nhi trung ương luôn, chần chừ là nặng hơn khó điều trị. Hôm đó đã mùng 4 tết rồi, mẹ cuối cùng quyết định cho con uống kháng sinh. Bác Liên và bác Khoa phóng xe đi mua thuốc cho con. Thật may mắn, con uống vào đỡ hẳn, không cần đi viện nữa. Con uống kháng sinh 2 ngày, siro thì phải 1 tuần mới khỏi đó. 
Con là cô gái thương mẹ, dù ốm nhưng không hề quấy mẹ, con vẫn ngủ ngoan, trừ lúc nào ho, con rặn cơn khạc đờm. Những lúc đó mặt con đỏ rực, mẹ chẳng biết làm thế nào chỉ biết nói thương con rất nhiều. 

Nhận xét

Dấu chân con đi

Kỉ niệm về những lần tiêm phòng

[Album ảnh] Cha và Con gái

Khi con 7 tháng tuổi

Kì nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 đầu tiên của con!

Cái miệng chóp chép xinh xinh

Cuộc chiến ti bình chưa thấy hồi kết